• Zalo

GDP người Việt tăng lên 3.000 USD/năm: Cách tính mới có phù hợp chuẩn mực quốc tế?

Kinh tếThứ Hai, 12/08/2019 17:16:00 +07:00Google News

Thông tin thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng lên con số 3.000 USD/người/năm do cách tính mới đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thay đổi cách tính GDP, đơn vị này đã hoàn tất và sắp sửa công bố kết quả với cách tính mới về thu nhập bình quân đầu người (GDP).

Theo cách tính mới, GDP sẽ tăng lên khoảng 3.000 USD/năm (năm 2018), thay vì 2.590 USD/người/năm theo cách tính hiện nay đang áp dụng.

Liên quan đến thông tin này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cách tính mới chỉ mang tính “bình mới rượu cũ”.

Theo TS Lê Đăng Doanh, thực tế, lĩnh vực kinh tế phi hình thức mà Tổng cục Thống kê đang căn cứ để tính GDP chưa có số liệu thống kê rõ ràng. Ông Doanh nhận định, trước đây, những hoạt động tăng gia sản xuất như nuôi gà, trồng rau không được tính vào GDP. Tuy nhiên, theo cách tính mới thì những hoạt động  phi chính thức này lại được đưa vào thu nhập bình quân đầu người. "Liệu cách tính này có thực sự chính xác và hợp với thông lệ quốc tế?", ông Doanh đặt câu hỏi.

Số thu nhập đó có thực tế, có được huy động vào ngân sách, có thể đem ra để đầu tư vào nền kinh tế không? Tất cả những điều này cần được xem xét cẩn trọng trước khi đưa vào GDP”, TS Lê Đăng Doanh nói.

GDP2

 Theo cách tính mới, GDP Việt Nam đạt 3.000 USD/người/năm. (Ảnh minh họa)

Cũng theo TS Doanh, Tổng cục Thống kê đã nỗ lực để tính đúng, tính đủ cả những phần kinh tế phi hình thức, khu vực kinh tế chưa được quan sát mà chúng ta vẫn hay gọi chung là kinh tế ngầm. Tuy nhiên, cách tính này không khác gì “bình mới rượu cũ”.

Thực tế, những lĩnh vực kinh tế này đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, trước đây chưa được tính vào thu nhập bình quân đầu người vì không biết có phù hợp với thông lệ của quốc tế hay không. “Nếu cách tính của Việt Nam khác với cách tính của số đông các nước trên thế giới thì GDP của chúng ta thống kê ra sẽ không so sánh được với họ”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, cần có một cuộc hội thảo chính thức về vấn đề này. “Cái mới luôn gây tranh cãi, nhưng nếu có đủ cơ sở thuyết phục thì việc áp dụng cái mới là đương nhiên”, TS Lê Đăng Doanh bình luận.

Ông viện dẫn câu chuyện ở nước Đức. “Ở Đức, khi một cá nhân đăng ký kinh doanh, chính quyền ủng hộ hết sức. Họ lập tức mở lớp hướng dẫn, nên làm như thế nào, nhà bếp ra sao, sau đó là biếu luôn một máy tính lập trình về phần mềm kế toán được kết nối với sở thuế. Tất cả những hoạt động của doanh nghiệp từ đó đều được họ nắm bắt và quản lý. Tôi nghĩ, Việt Nam nên học tập mô hình này. Điều đó vừa có thể giúp đỡ, khuyến khích các hộ kinh doanh vừa có thể kiểm soát mà không bị thất thu về thuế”, TS Doanh chia sẻ.

Về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nguyên tắc tính GDP của mỗi một quốc gia đều phải theo những chuẩn mực nhất định. Cách tính GDP của Việt Nam, bất luận mới hay cũ cũng đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc đó. Bình luận về con số 3.000 USD có phản ánh đúng chỉ số GDP của người Việt Nam hay không, TS Nghĩa cho rằng, phải chờ Tổng cục Thống kê chính thức công bố cách tính mới.

Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê về năng suất lao động của Việt Nam cho thấy, thời gian qua, chỉ số này tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015. Tính chung giai đoạn 2011 - 2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.

Kỳ Trinh
Bình luận
vtcnews.vn